Hãng xe Thụy Điển tiên phong về công nghệ an toàn và cam kết không có trường hợp tử vong xảy ra từ năm 2020.
Volvo nổi tiếng vì tạo ra những chiếc xe có tiêu chuẩn an toàn vượt trội trong ngành công nghiệp ôtô, từ việc sử dụng thép boron siêu cứng tới những công nghệ an toàn chủ động. Dưới đây là những công nghệ mà Volvo phát minh và được nhiều hãng khác áp dụng.
Dây an toàn ba điểm (1959)
Nhờ phát minh của kỹ sư Volvo Nils Bohlin, số người chết vì tai nạn đã giảm đáng kể, đây được coi phát minh của người Thụy Điển đã cứu sống hơn một triệu người. Volvo đã sử dụng dây an toàn ba điểm trên chiếc PV544 trước khi trở thành bắt buộc trên mỗi chiếc xe hơi. Để đảm bảo mọi chiếc xe đều có thể được trang bị dây an toàn ba điểm, Volvo đã từ bỏ quyền sở hữu bằng sáng chế, từ đó tới nay dây an toàn ba điểm trở thành trang bị tiêu chuẩn trên mọi dòng xe của các hãng.
Ghế trẻ em quay về phía sau (1972)
Lấy cảm hứng từ ghế tên lửa không gian, nơi các phi hành gia nằm ngửa để giảm nguy cơ chấn thương, Volvo đã đưa cảm hứng vào ghế cho trẻ em năm 1972. Ghế đã giúp giảm thiểu chấn thương khi va chạm. Hãng cũng đổi mới và nâng cấp ghế nâng hạ vào năm 1976 và 1990.
Bảo vệ khi bị đâm bên hông (1991)
Vì ôtô có thể bị tác động ngoại lực từ bên hông và gây nguy hiểm đến tính mạng, Volvo đã cải tiến hệ thống bảo vệ chống va đập bên hông (SIPS). Hệ thống bao gồm ghế được gia cố chắc chắn, thanh cố định ở sàn xe và vật liệu hấp thụ năng lượng trong cấu trúc khung xe. Cho đến năm 1994, túi khí ở bên hông được bổ sung nhằm cải thiện độ an toàn.
Bảo vệ cột sống cổ (1998)
Khi ôtô bị tông ở tốc độ cao, cổ của con người có thể bị gãy về phía trước, gây thương tích nghiêm trọng và tổn thương vĩnh viễn. Volvo tập trung vào vấn đề và phát triển hệ thống bảo vệ khi va chạm, bao gồm tựa đầu chắc chắn và đồng nhất với ghế giúp hỗ trợ người ngồi khi va chạm.
Cụ thể, khi xe bất ngờ đâm mạnh về phía trước, theo quán tính đầu người sẽ lao về trước rồi giật ngược lại phía sau. Lúc này một chiếc tựa đầu đủ cứng sẽ giúp đầu không ngửa ra sau gây gãy cổ. Ngược lại, khi xe bị đâm mạnh từ sau, phần lưng ghế cũng sẽ được điều chỉnh để tụt ra phía sau một đoạn, nhằm giảm bớt quán tính khiến đầu người không bị hất mạnh về phía sau.
Rèm cửa bơm hơi (1998)
Cũng trong năm 1998, Volvo giới thiệu loại rèm bơm hơi giống túi khí, được tích hợp vào khung nóc xe và có thể hấp thụ đáng kể năng lượng khi tác động vào phần đầu và ngang xe. Hệ thống này được kích hoạt trong 25 phần nghìn giây, rèm cửa sẽ được bơm hơi từ phía trước ra phía sau khoang cabin.
Hệ thống bảo vệ khi lật xe (2002)
Hệ thống ROPS (Roll-Over Protection System) sử dụng kiểm soát ổn định thân xe điện tử để ngăn xe bị lật và thép cường lực ở mui giúp giảm thương tích nghiêm trọng nếu bị lật xe.
Với xe mui trần, khi xe lật, từ phía sau sẽ tự động nhô lên hai thanh thép cứng được kết nối vững vàng thân xe. Hai thanh thép này hợp với khung xe của kính chắn gió tạo thành một khung bảo vệ đầu người không bị quệt xuống nền đường.
Hệ thống cảnh báo điểm mù (2003)
Khi ngồi trong xe, sẽ có nhiều điểm gương chiếu hậu không thể nhìn được, vì vậy Volvo đã giới thiệu hệ thống giám sát điểm mù sử dụng camera và radar để phát hiện phương tiện nào đang ở xung quanh xe hay không và cảnh báo người lái bằng đèn nháy trên gương.
Sau khi Volvo sử dụng hệ thống này, đến 2009 Mazda cũng tích hợp. Mazda là hãng xe Nhật đầu tiên có công nghệ cảnh báo điểm mù.
Cảnh báo phát hiện người đi bộ (2010)
Hãng xe Thụy Điển muốn đảm bảo rằng ngay cả những người bên ngoài xe cũng được an toàn, do đó hãng đã phát triển hệ thống phát hiện người đi bộ vào năm 2010. Hệ thống sử dụng radar và camera để xác định người đi bộ trên đường, nếu như người đi bộ bất ngờ qua đường hoặc người lái xe không đủ thời gian để phản ứng, hệ thống phanh gấp được kích hoạt nếu phát hiện khả năng xảy ra va chạm. Hệ thống phanh này là một phần của gói City Safety, mà hãng giới thiệu năm 2008.
Ngoài những phát minh trên, Volvo cũng được biết đến là hãng đầu tiên sử dụng kính chắn gió nhiều lớp hay động cơ kết hợp cả siêu nạp và tăng áp. Dù ý tưởng đưa supercharge và turbocharge nằm chung không phải của Volvo, hãng xe Thuỵ Điển được biết đến vì sử dụng cách thức này triệt để.
Volvo cũng được biết đến với sự bền bỉ khi nắm giữ danh hiệu chiếc xe có quãng đường dài nhất thế giới theo Guinness, với mẫu P1800S đời 1966. Với odo 4.890.993 km được đo vào năm 2014, ông Irv Gordon, chủ nhân duy nhất của chiếc xe đã sử dụng cho mục đích lái xe đường dài trên khắp nước Mỹ. Ông tuyên bố bí quyết kéo dài tuổi thọ xe là thay dầu thường xuyên, tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn bảo dưỡng của nhà sản xuất và giữ cho xe luôn sạch sẽ. Đã có vài bộ phận bị hao mòn và phải thay thế, nhưng động cơ và hộp số vẫn được giữ nguyên bản.
Irv tiếp tục lái chiếc P1800S cho đến khi ông qua đời ở tuổi 77 vào năm 2018. Khi ấy, đồng hồ được đo hiển thị 5.230.368 km, tức gần 130 lần vòng quanh thế giới hay 6 lần đi lên mặt trăng và quay lại.
MINH VĂN